Mô hình đất ngập nước nhân tạo (CW) đã được nghiên cứu và áp dụng hiệu quả trong xử lý nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, để loại bỏ hiệu quả chất dinh dưỡng và tăng hiệu suất xử lý, cần sử dụng mô hình CW tích hợp. Mô hình thí nghiệm CW gồm: dòng chảy ngang (HF) – dòng chảy đứng (VF) - dòng chảy tự do bề mặt (FWS) với cây chuối hoa (Canna hybrids), môn nước (Colocasia esculenta), môn đốm (Caladium bicolor), phát lộc (Dracaena sanderiana) và hoa súng (Nymphaea). Nước thải vận hành được lấy tại cống thải sinh hoạt khu phố 1, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Mô hình vận hành với 2 tải lượng thủy lực (HLR) là 5 cm/ng và 10 cm/ng. Hiệu quả xử lý (E) BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa) trung bình 83,7%, TSS (tổng chất rắn lơ lửng) 75,5%, NH4-N (amoni) 87%, PO4-P (photphat) 15,6% và TCol (tổng Coliforms) 98,9%. Khi tải lượng tăng từ 5 cm/ng đến 10 cm/ng, E BOD5 giảm từ 84,8% xuống 82,6%, TSS từ 83,8% xuống 67,1%, NH4-N tăng từ 85,6% lên 88,2%. Giá trị thông số ô nhiễm đầu ra ở cả hai mức tải lượng thủy lực đều thấp hơn giá trị Cmax trong QCVN 14:2008/BTNMT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét