Trong xu thế toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, nhu cầu phát triển nhân lực có các năng lực nghề phù hợp và thích ứng với sự thay đổi đã tạo ra áp lực cho các hệ thống giáo dục nói chung và đào tạo giáo viên nói riêng. Giáo viên, một mặt phải đáp ứng được các chuẩn nghề nghiệp cơ bản, mặt khác lại phải phấn đấu theo nhu cầu cao của xã hội về tính chuyên nghiệp của họ. Sự phát triển của chủ nghĩa chuyên nghiệp và yêu cầu phát triển không ngừng về chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên đã được chú ý ở tất cả các quốc gia. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chương trình đào tạo giáo viên có thể đào tạo được các giáo viên đáp ứng được các mong đợi cao của xã hội và về sự chuyên nghiệp sâu rộng trong nghề giảng dạy. Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần làm rõ chất lượng mong đợi trong các chuẩn nghề chuyên nghiệp của giáo viên là gì. Dựa trên nghiên cứu tổng quan các nghiên cứu về nghề chuyên nghiệp và chủ nghĩa chuyên nghiệp trong giảng dạy được xuất bản hơn một thập kỷ qua, bài viết tập trung trình bày về tính chuyên nghiệp và sự phát triển nghề giảng dạy như một nghề chuyên nghiệp để làm cơ sở gợi ý một cách tiếp cận cho đổi mới đào tạo giáo viên của Việt Nam theo mô hình đào tạo nghề chuyên nghiệp và hướng tới một phương thức đào tạo tiếp cận thực tiễn dựa trên sự tương tác của “thực tiễn-giáo sinh-lí thuyết” (thay đổi phương thức đào tạo tuyến tính truyền thống “lí thuyết-giáo sinh-thực tiễn”) để phát triển các năng lực toàn diện cho giáo viên với vai trò nhà giáo-nhà giáo dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét